Béo phì do ăn mặn gây nhiều hệ lụy xấu cho cơ thể, trong đó phải kể đến tăng huyết áp (THA). Vì vậy, nên ăn muối như thế nào để đảm bảo sự sống tốt, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe?
Vai trò của muối ăn
Muối ăn là một khoáng chất, được sử dụng như một thứ gia vị tra vào thức ăn. Muối ăn cần thiết cho sự sống của mọi cơ thể sống, bởi vì chúng tham gia việc điều chỉnh độ chứa nước của cơ thể (giúp duy trì cân bằng dịch trong cơ thể một cách thích hợp) và giúp cơ bắp, hệ thần kinh hoạt động chính xác. Vị của muối là một trong những vị cơ bản. Sự thèm muối có thể phát sinh do sự thiếu hụt khoáng chất vi lượng cũng như do thiếu natri clorua. Trong dinh dưỡng, muối ăn được sử dụng như là chất gia vị và là chất bảo quản.
Ăn mặn là một trong các nguyên nhân gây béo phì.
Tác hại của ăn mặn
Các nhà nghiên cứu cho biết, ăn mặn là một trong các nguyên nhân chính gây béo phì. Muối tự nó không gây tăng cân mà có thể khiến khát nước trong quãng thời gian dài, lúc đó cần uống nước để không cảm thấy khát nước, khi nước được uống vào cơ thể, chúng sẽ được điều chỉnh ở trong lòng mạch, kẽ gian bào, tổ chức tăng lên gây béo phì. Béo phì là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp, thoái hóa khớp xương, nhất là khớp cột sống thắt lưng, khớp gối, cổ chân… Các nhà khoa học ĐH Queen Mary (London, Anh) cho biết, ăn quá nhiều muối có thể là một tác nhân gây béo phì, bất kể bạn tiêu thụ bao nhiêu calo trong thực phẩm. Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của hơn 450 trẻ em và 780 người lớn trong khảo sát về chế độ ăn và dinh dưỡng quốc gia thực hiện từ năm 2008-2012, đồng thời cũng tiến hành phân tích các mẫu nước tiểu trong 24 giờ và tính toán lượng calo hấp thu từ chế độ ăn trong 4 ngày. Kết quả cho thấy, cứ ăn thêm 1g muối mỗi ngày, nguy cơ béo phì tăng 25%, ngay cả khi tính đến tổng số thực phẩm mỗi người ăn.
Ăn mặn có thể dẫn đến THA. Các nhà nghiên cứu đã giải thích rằng thành phần chính của muối ăn là natri, bình thường nồng độ natri trong cơ thể là 9‰, khi dùng muối nồng độ đó sẽ tăng lên tức thời, cơ thể sẽ điều chỉnh bằng cách thẩm thấu dịch gian bào (dịch nằm giữa các tế bào) từ thành động mạch vào trong lòng mạch máu để nồng độ muối trong máu được duy trì ở trạng thái bình thường. Lúc này, lòng động mạch bị thu hẹp do mất nước (dịch gian bào), trong khi đó, khối lượng máu trong lòng mạch máu tăng lên khiến áp suất trong thành mạch tăng. Lòng mạch co lại, áp suất tăng chính là nguyên nhân gây THA. Nếu người có thói quen ăn mặn cộng thêm thường xuyên gặp stress trong cuộc sống sẽ làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, tăng hoạt động của hệ renin - angiotensin dẫn đến tăng tái hấp thu natri ở ống thận và các ion natri vào nhiều trong tế bào của cơ trơn gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi gây THA. Các thực phẩm công nghiệp hiện nay là nguyên nhân lớn nhất gây ra những vấn đề sức khỏe vì có chứa nhiều muối, chất béo, đường. THA và béo phì đều dẫn tới sự hình thành bệnh tim mạch, đột quỵ, suy tim, bệnh tiểu đường và làm gia tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.
Ăn mặn có thể dẫn đến rối loạn chức năng thận do muối tăng cao khiến lượng canxi bài tiết vào nước tiểu tăng lên, gây sỏi thận hoặc sỏi đường tiết niệu. Ăn mặn có thể làm đầy hơi do giữ nước trong cơ thể (một chế độ ăn nhiều chất muối có thể làm cơ thể giữ lại ít nhất 1,5 lít nước). Muối có thể gây loãng xương do dễ bị mất mật độ xương và cấu trúc xương yếu đi. Các nhà chuyên môn cho biết, khi muối cao là tỷ lệ thuận với natri cao và natri cao có nghĩa là xương yếu gây loãng xương.
Hãy hạn chế ăn mặn
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh giảm muối là cần thiết để giảm nguy cơ bệnh tim mạch và một số bệnh khác liên quan đến muối. Với người lớn, nên ăn không quá 6g muối mỗi ngày và lượng muối giới hạn cho trẻ em là ít hơn rất nhiều. Đối với trẻ sơ sinh, nồng độ muối trong sữa mẹ đã đủ để cung cấp nên không cần thêm muối vào thức ăn dặm. Nên lưu ý rằng, muối chỉ là một gia vị, vì vậy, chỉ ăn đủ lượng muối mỗi ngày để tránh mắc những căn bệnh không đáng có (béo phì, THA, loãng xương…).
Nên thường xuyên sử dụng những thực phẩm tươi sống, nêm nếm ít muối và gia vị, hạn chế thói quen chấm các loại muối khi ăn (trái cây, dưa chuột…), tránh ăn các loại nước chấm quá mặn, nhất là người đang bị tăng cân, béo phì. Không nên sử dụng thực phẩm đóng hộp (cá hộp, thịt hộp), các loại thực phẩm chế biến sẵn (xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói, cá thịt kho muối, các loại mắm, thực phẩm ướp sẵn), mì ăn liền, các loại gia vị bột ngọt, các món ăn chế biến từ muối (cà, hành, dưa...), tuy rất ngon miệng nhưng nên hạn chế ăn chúng khi muốn giảm cân. Ngược lại, những loại gia vị tự nhiên như ớt, sả, chanh… lại có thể giúp món ăn ngon hơn và không gây tăng cân hơn nữa, nếu sử dụng những gia vị này trong thời kỳ ăn kiêng cũng là một lựa chọn tốt.
Nên chọn loại nước mắm nhiều đạm, ít muối để ăn. Chú ý, nếu giảm muối thì nên chọn những loại nước mắm, nước tương và các thực phẩm giàu iot. Nên thực hiện việc giảm ăn mặn cho cả gia đình để đảm bảo sức khỏe.
BS. VIỆT ANH